Mô hình ponzi là gì? Cách nhận biết Ponzi trong tiền điện tử

Thảo luận, hỏi đáp, cập nhật tin tức về giao dịch coin, forex, chứng khoán ở đây: Discord Dautu.IO

Tiền điện tử/crypto có phải ponzi không hay Bitcoin có phải ponzi không là một từ khóa được khá nhiều người tìm kiếm. Vậy mô hình ponzi là gì, cách nhận biết dự án ponzi trong tiền điện tử như thế nào & những dự án Ponzi đã bị lật tẩy trong crypto cụ thể ra sao thì các bạn hãy xem thông tin chi tiết ngay sau đây.

Mô hình Ponzi là gì?

Mô hình Ponzi là gì, lịch sử của Ponzi?

Mô hình Ponzi hay Ponzi Scheme là một mô hình lừa đảo được đặt theo tên của Charles Ponzi – người đã tạo ra một dự án lừa đảo với lợi nhuận cam kết tới 50% cho các khoản đầu tư trong 45 ngày vào năm 1920.
Khi Charles Ponzi mới đưa mô hình này vào hoạt động thì đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư ban đầu tham gia vào mô hình này đã kiếm được lợi nhuận từ số tiền của những người tham gia sau nhưng sau đó chưa đầy 1 năm thì mô hình này đã bị sụp đổ.

Sau đó mô hình ponzi đã được “ông trùm tài chính” Bernie Madoff áp dụng lại và làm cho mô hình này trở lên nổi tiếng và được nhiều người biết hơn khi nó đã hoạt động được trên 15 năm và quy mô lên tới 20 tỷ USD. Đến năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra cũng là lúc Bernie Madoff bị phát hiện hành vi lừa đảo của mình, sau đó Bernie Madoff đã bị lãnh án tù tới 150 năm và chết ở trong tù vào năm 2021 ở tuổi 82.

Trước khi vụ việc bị phanh phui thì Bernie Madoff đã có sự nghiệp lừng lẫy tại phố Wall khi từng là Chủ tịch sàn Nasdaq hồi thập niên 90.

Cách hoạt động của Ponzi Scheme như thế nào?

Nói tới mô hình Ponzi thì bạn có thể liên tưởng tới cách hoạt động của mô hình đa cấp tại Việt Nam. Mô hình này sẽ có cách hoạt động như:

+ Kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào hệ thống bằng việc đóng góp tiền của mình vào đó và nhận về lợi nhuận % khủng hơn nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng.

+ Kẻ đứng sau khá tinh vi khi đưa ra bằng chứng giả về hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình để lôi kéo nhà đầu tư tham gia, ví dụ như dịch vụ quản lý quỹ đầu tư.

+ Khi có người mới tham gia vào hệ thống, số tiền của người mới sẽ được sử dụng để trả lãi cho người tham gia trước.

+ Khi không còn ai tham gia vào hệ thống hoặc số người tham gia ít dần thì sẽ không đủ tiền để trả lãi cho người tham gia trước, cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ khi những người tham gia vào đó muốn rút tiền ra nhưng không thể rút tiền được bởi kẻ đứng đằng sau đã tiêu số tiền đó rồi.

Mô hình Ponzi là gì, hoạt động như thế nào

Những dự án lừa đảo Ponzi trong tiền điện tử bị phanh phui

+ Kế hoạch Ponzi tiền điện tử nổi tiếng nhất có lẽ là OneCoin – một loại tiền điện tử từng được quảng cáo là “Bitcoin Killer” nhưng được cho là thậm chí không có blockchain đằng sau nó. Những kẻ lừa đảo đứng sau OneCoin đã lừa các nhà đầu tư trên khắp thế giới với giá trị khoảng 4 tỷ USD. Kẻ đứng sau kế hoạch Ponzi tiền điện tử nổi tiếng này là Ruja Ignatova và Sebastian Greenwood. Sebastian Greenwood thì đã bị bắt còn Ruja Ignatova thì đã tẩu thoát khi vụ việc bị phanh phui kể từ năm 2017 cho tới nay, thậm chí gần đây FBI còn tặng thưởng 100.000 USD cho việc giúp tìm kiếm ả ta, Ruja Ignatova còn được gọi với cái tên là “Cryptoqueen“. Kế hoạch lừa đảo này kéo dài từ năm 2014 đến năm 2017.

Mô hình Ponzi là gì, ví dụ dự án ponzi trong coin, crypto

+ BitConnect cũng là một mô hình ponzi nổi tiếng khi giao thức này ra mắt vào năm 2016 như một giải pháp cho vay Bitcoin, mời gọi những người tham gia vào đầu tư với lãi suất kép lên tới trên 1%/ngày, 40%/tháng.

Người đứng sau dự án là những người ẩn danh và nổi bật là người có nickname Satao Nakamoto đứng đầu. Các nhà đầu tư phải mua token BCC, khóa chúng trên nền tảng và đợi trong khi các bot giao dịch sử dụng số tiền bị khóa của họ để giao dịch.

Người sáng lập Ethereum là Vitalik Buterin cùng Mike Novogratz và Charlie Lee là những người có tiếng nói trong lĩnh vực crypto đầu tiên chỉ trích lợi nhuận đầu tư không bền vững mà Bitconnect hứa hẹn. Cuối cùng, các nhà chức trách Hoa Kỳ đã tuyên bố Bitconect là một kế hoạch Ponzi và yêu cầu nó ngừng hoạt động vào năm 2018. Sau khi bị tuyên bố là mô hình Ponzi thì giá của BCC đã giảm 90%, khiến các nhà đầu tư mất hơn 3,5 tỷ USD.

+ GainBitcoin là một Ponzi Scheme trong tiền điện tử tiếp theo được cho ra mắt vào năm 2016. GainBitcoin nổi lên như một giải pháp đào coin trên nền tảng đám mây có trụ sở tại Ấn Độ với lời hứa tạo ra lợi nhuận hàng tháng là 10% trong 18 tháng. Nghe thật nực cười, dự án đã thu hút không dưới 300 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Ấn Độ. Vào năm 2017, có thể thấy là không có thiết bị khai thác vật lý hay bất kỳ hoạt động đào coin nào hỗ trợ cho dự án này. Đến năm 2018 thì kẻ chủ mưu của kế hoạch là Amit Bhardwaj đã bị bắt và bị buộc tội lừa đảo hơn 8.000 nhà đầu tư. Tuy nhiên có vẻ như vụ việc đã kết thúc và rất khó có khả năng các nhà đầu tư thu lại được khoản lỗ của mình.

+ Mining Max: tương tự như GainBitcoin, dự án này cũng là một giải pháp đào coin và đã thu hút hơn 18.000 nhà đầu tư trên 54 quốc gia. Trong số 250 triệu USD huy động được, chỉ có 70 triệu USD được chi ra để mua phần cứng đào coin. Phần tiền còn lại được sử dụng để tài trợ cho chiến dịch tiếp thị Mining Max và để những thành viên trong nhóm tiêu sài.

+ PlusToken: là một trong những kế hoạch Ponzi mới nhất và đông đảo người tham gia nhất từng được ghi nhận. Trò lừa đảo đã thực hiện hầu hết chiến dịch tiếp thị của mình thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc bằng cách lôi kéo các nhà đầu tư với triển vọng tạo ra lợi nhuận đầu tư hàng tháng từ 10-30%. PlusToken đã thu hút hơn 3 triệu nhà đầu tư, phần lớn trong số đó đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Toàn bộ mô hình kinh doanh của dự án tập trung vào sự hiểu biết về tiền điện tử và dịch vụ ví. Cuối cùng, những kẻ lừa đảo đã thuyết phục các nhà đầu tư tăng thu nhập của họ bằng cách mua token của dự án.

Sau 1 năm vơ vét tiền của các nhà đầu tư, nhóm PlusToken đã đóng cửa kế hoạch này vào năm 2019 và thoát ra với số tiền điện tử trị giá hơn 3 tỷ USD. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã tịch thu số tiền điện tử trị giá 4 tỷ USD có liên quan đến vụ lừa đảo. Tuy nhiên, có vẻ như không phải tất cả các cá nhân liên quan đều được tìm ra vì các thực thể không xác định đã rút thành công một số khoản tiền vào năm 2020.

Cách nhận biết & phòng tránh mô hình Ponzi trong crypto

Mô hình Ponzi là gì

Mô hình ponzi là một mô hình lừa đảo tinh vi mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể nhận ra ngay khi nó mới thành lập. Vì vậy để tránh mất tiền vào túi kẻ lừa đảo thì các bạn cần lưu ý một số thông tin sau để tránh bị lừa đảo Ponzi:

  • Cần cẩn thận với những dự án mời gọi với lãi suất cao bởi hầu hết các ponzi đều sử dụng cách này nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

  • Không nên nghe theo bạn bè, người quen mà đầu tư vào một dự án mới mà bạn chưa biết gì về nó. Nhất là có những kế hoạch lừa đảo ponzi như mời bạn tham gia hội thảo đầu tư nào đó.

  • Xác minh xem công ty mời gọi đầu tư đã được đăng ký hay chưa, theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), các kế hoạch Ponzi thường liên quan đến các khoản đầu tư chưa đăng ký. Trước khi đầu tư, hãy kiểm tra hoạt động của tổ chức và yêu cầu xem các thủ tục giấy tờ mà họ phải nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch.

  • Tìm hiểu thật kỹ về thông tin của dự án, đội ngũ đứng đằng sau của dự án cũng như tiến trình phát triển xem dự án có phải hoạt động tích cực và làm được những gì mà họ nói ra hay không?

Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) là 2 dự án tiền điện tử nổi bật nhất cho tới hiện nay và chúng cũng thường bị các tổ chức hay người có tiếng trong giới đầu tư cho rằng đây là Ponzi. Tuy nhiên nếu nhìn vào cách hoạt động của Bitcoin cùng Ethereum cho tới nay thì có thể thấy BTC và ETH không phải mô hình ponzi bởi không có một dòng tiền nào bắt nguồn từ người đến sau được thanh toán cho người đến trước cả.

Còn với Terra (LUNA) – UST có phải ponzi không? Trên thực tế thì đến nay có khá nhiều người có tiếng trong ngành cáo buộc Terra thực chất là mô hình Ponzi, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định được điều này bởi đội ngũ của Terra vẫn đang trong quá trình điều tra mà chưa có kết luận cụ thể.

Với NFT và game play to earn: NFT và game play to earn, move to earn không được coi là Ponzi scam (lừa đảo Ponzi) mà nó giống như mô hình Tulip hơn. Mô hình Tulip được sử dụng để nói về khoản lợi nhuận từ giá trị của niềm tin của các nhà đầu tư khác, giống như bong bóng đầu cơ chứ không phải giá trị thực mà dự án đem lại.

Ví dụ điển hình thực tế ở Việt Nam của mô hình này đó là việc bán lan đột biến, cây hoa lan đột biến có thể được giao bán tới hàng chục tỷ đồng trong khi nó chỉ để ngắm chứ không có nhiều giá trị. Việc lan đột biến tăng giá là nhờ vào niềm tin của người mua sau.

Các game play to earn điển hình hiện nay đang gặp phải thực trạng này có thể kể tới như Axie Infinity hay STEPN. Mọi người mua bán những vật phẩm ảo trong game và nâng giá lên mong kiếm lợi từ việc bán lại cho người khác. Tuy nhiên hình thức này chỉ có thể gây sốt trong giai đoạn đầu, và nó sẽ là một mô hình chết dần khi ít người hứng thú vào nó và lượng người chơi giảm dần.

Xem thêm thông tin hữu ích liên quan:

  • 2 mô hình bánh vẽ phổ biến được áp dụng trong đẩy giá coin
  • 15 hình thức lừa đảo tiền điện tử cần tránh

Qua đây, mong rằng bạn đã hiểu mô hình ponzi hay Ponzi Scheme là gì, cách nhận biết và phòng tránh lừa đảo Ponzi. Nhà đầu tư nên cẩn thận khi tham gia vào những dự án kêu gọi đầu tư với lợi nhuận cao không tưởng. Thị trường tiền ảo vốn dĩ đã có nhiều rủi ro nên những dự án có lợi nhuận cao thì càng phải cẩn thận. Nếu như bạn muốn thử sức mình trong lĩnh vực đầu tư coin, bạn chỉ nên đầu tư số tiền rất nhỏ mà thôi.


Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *